Nấu ăn tại LEAD trưa thứ Bảy hàng tuần.
Nấu ăn là một kĩ năng cần thiết ba mẹ phải dạy cho con, để giúp con hiểu được giá trị dinh dưỡng của món ăn, có chế độ ăn hợp lí, đúng bữa, và giúp khơi dậy sở thích nấu ăn cho các bé. Tuy nhiên việc dạy trẻ nấu ăn không phải đơn giản vì sử dụng đồ dùng trong bếp luôn tiềm tàng nguy hiểm, và ba mẹ không biết khi nào bé mới sẵn sàng để nấu ăn.
Bé không nhất thiết phải nấu ăn ngon và hoàn chỉnh như người lớn, nhưng ít nhất hãy dạy cho bé cách tự nấu một bữa ăn đơn giản cho mình khi đói bụng hoặc khi bố mẹ không có nhà. Sau đây là những bí quyết sẽ giúp bố mẹ dễ dàng dạy con nấu ăn:
Khi nào là thời điểm thích hợp để dạy con nấu ăn:
Có nhiều người trưởng thành không biết nấu nướng vì nhiều năm không phải vào bếp dẫn đến thói quen. Với trẻ bạn hãy bắt đầu dạy bé nấu ăn từ sớm, khi bé đã biết sử dụng những thiết bị trong bếp, có kĩ năng dùng dao và các đồ dùng khác. Thông thường từ 8 đến 12 tuổi là thời điểm thích hợp để dạy trẻ nấu ăn, tuy nhiên cũng có những bé bộc lộ năng khiếu sớm hơn. Thời điểm thích hợp để dạy trẻ nấu ăn không chỉ là khi con biết sử dụng các dụng cụ mà phải là lúc con đã sẵn sàng học nấu ăn. Bố mẹ có thể gợi cho con sở thích này bằng việc cho con quan sát mẹ chuẩn bị bữa cơm, thử những món ăn mới, chắc chắn sau đó bé sẽ muốn nấu thử.
Dạy con nấu ăn nên bắt đầu từ đâu:
Bắt đầu bằng việc quan sát. Hãy để bé quan sát trong lúc mẹ nấu ăn, đưa bé đi chợ, siêu thị cùng để bé nhận biết được các loại nguyên liệu nấu ăn. Mẹ hãy nhớ trả lời tất cả các câu hỏi con đưa ra để bổ sung thêm kiến thức cho con. Sau một hai lần trẻ sẽ bị kích thích trí tò mò và muốn thử, khi đó mẹ có thể bắt đầu dạy con học nấu ăn.
Sẽ dạy bé làm những gì:
Đầu tiên hãy cho bé làm những việc nhẹ nhàng để bé làm quen với công việc. Cho bé sơ chế món ăn như nhặt rau, gọt củ quả, chuẩn bị các nguyên liệu.
Sau đó hãy cho bé làm quen dần với các việc phức tạp hơn. Mẹ có thể cho bé tự tay nặn bánh, trang trí kem, bày món ăn. Dần dần sẽ tăng độ khó để bé dần quen với công việc nấu nướng.
Đừng quên dạy những kĩ năng cần thiết cho bé:
Trong căn bếp luôn tiềm tàng những nguy hiểm khi phải tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao dĩa, chất cháy nổ và các thiết bị điện. Hãy dạy cho trẻ và nhắc lại hằng ngày để bé ghi nhớ sâu những kĩ năng tự bảo vệ. Dạy cho bé cách sơ cứu khi bị đứt tay, bị bỏng. Chỉ cho bé nơi ngắt hệ thống điện, cách sử dụng bình cứu hỏa. Phân biệt cháy thông thường và cháy do dầu, cồn để dập lửa đúng cách.
Đừng chỉ dạy trẻ nấu ăn mà cả dọn dẹp sau bữa ăn:
Khi hoàn thành xong các món ăn, bé sẽ rất hài lòng với thành quả của mình và cho rằng mình đã đóng góp công sức lớn cho bữa ăn của gia đình. Điều đó đúng, nhưng hãy dạy trẻ phải dọn dẹp sau khi nấu ăn chứ không ỷ lại để người khác dọn, điều này giúp bé rèn luyện thói quen ngăn nắp trong công việc cuộc sống.
Thường xuyên khuyến khích bé:
Sự non nớt và vụng về của bé có thể làm hỏng món ăn hay đồ đạc, nhưng đừng la mắng vì bé sẽ rất buồn và sẽ không muốn vào bếp nữa. Hay độ lượng hơn với những sai sót nhỏ đó và đừng bao giờ quên những lời động viên khuyến khích bé. Điều đó sẽ giúp cho bé có thêm động lực để chăm chỉ nấu ăn và giúp đỡ mẹ hơn.
Học nấu ăn không phải đơn giản ngay với cả người lớn. Một số trẻ còn chưa định hình và bộc lộ được sở thích cũng như năng khiếu. Nếu trẻ không thể làm được hay ghét việc nấu nướng thì đừng nên ép buộc trẻ mà chỉ nên dừng lại ở những kiến thức và kĩ năng cơ bản.